Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, sinh năm 1650 tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong một gia tộc trâm anh thế phiệt lâu đời có nguồn gốc cùng tổ với chúa Nguyễn. Ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông thuộc dòng dõi Đức Nhị Khê Nguyễn Trãi- khai quốc công thần nhà Lê (1428-1527), thân phụ ông là Nguyễn Hữu Dật, là một trong 3 vị đệ nhất công thần của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613). Ông sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh tương tàn, xung đột ác liệt giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (1627-1672). Chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đến Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đều phải dụng binh đánh đuổi giặc ngoài để giữ yên bờ cõi, bình định biên cương. Mặt khác, các chúa Nguyễn đều toan tính mở rộng đất đai phương Nam, nhằm đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử ấy lại xuất thân trong một gia đình võ tướng, có tài trí song toàn nên Nguyễn Hữu Cảnh đã sớm dấn thân vào cuộc chiến, dự vào nhiều trận công thủ trên đất Quảng Bình đối mặt với quân Trịnh. Tháng 8 năm Nhâm Thân (1692) vua Chiêm Thành là Bà Tranh dấy loạn, đem binh đánh cướp dinh Bình Khang (Khánh Hòa). Do đó đầu năm Quí Dậu (1893) chúa Nguyễn Phúc Chu cử ông làm Thống binh cầm quân đánh dẹp, đến tháng 3 thì bắt được Bà Tranh cùng thủ hạ, vâng lệnh chúa Nguyễn ông đã đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, cho quan lại Chiêm trở về phủ dụ dân chúng. Đầu năm 1894, một người Hoa là A Ban dấy loạn, tháng tư năm đó Nguyễn Hữu Cảnh lại vâng mệnh chúa vào đánh dẹp và được giữ chức Chưởng cơ trấn thủ dinh Bình Khang. Năm 1698, chúa Nguyễn cử ông làm Kinh lược sứ đất Chân Lạp, thiết lập phủ Gia Định, gồm huyện Phước Long với dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình với Dinh Phiên Trấn. Đây chính là công lớn của ông trong sự nghiệp mở mang các vùng đất phía Nam trở thành lãnh thổ của Việt Nam của các chúa Nguyễn. Viết về công việc này của Nguyễn Hữu Cảnh, trong Gia Định thành thông chí Trịnh Hoài Đức đã ghi “ Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) đời vua Hiến Tông Hiếu Minh hoàng đế sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Chấn mỗi dinh đặt chức Lưu Thủ, Cai Bộ và Ký Lục để quản trị, nha thuộc có hai ty xá- lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hậu vệ. Đất đai mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 40.000 hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô Nam đến ở khắp nơi; đặt ra phường ấp xã thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh điền và lập hộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Tàu ở nơi Trấn Biên thì lập xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Chấn thì lập xã Minh Hương rồi ghép vào sở hộ tịch.”
Về phạm vi không gian mà Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập được bộ máy hành chính là các tỉnh Miền Đông Nam Bộ ngày nay và lấy đất Nông Nại ( Cù Lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai) làm Gia Định phủ được chia thành hai huyện:
– Lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa)
– Lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Sài Gòn).
Bộ máy hành chính được thiết lập ở cấp huyện gồm các chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để cai trị, dưới có hai ty trực thuộc (về hành chính) và về quân sự có các cơ đội để bảo vệ. Tuy mới chỉ thiết lập được bộ máy như vậy nhưng nó có ý nghĩa rất to lớn trên các mặt sau:
– Trên vùng đất “ đất rộng người thưa”, dân cư bao gồm những người “tha phương cầu thực” đã chung sống trở thành cộng đồng. Về mặt pháp lý, việc thiết lập được các đơn vị và bộ máy hành chính đã làm thay đổi vị thế của cộng đồng dân cư ở đây, từ những lưu dân trở thành người chủ đất đai của mình, ổn định được trật tự xã hội và tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân
– Trên cơ sở phân định ranh giới hành chính, thiết lập bộ máy quản lý, phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống cho người dân, Nguyễn Hữu Cảnh cho phép mọi người phân chiếm ruộng đất, khuyến khích mở rộng công cuộc khai hoang, tiếp tục mở rộng công cuộc khai hoang, tiếp tục mở rộng việc chiêu mộ lưu dân từ các tỉnh miền Trung vào vùng đất mới để phát triển thực lực của chúa Nguyễn về phía Nam
– Đối với cộng đồng người Hoa- một thành phần cư dân đến sớm ở vùng đất này- để khai thác tiềm năng, ổn định cuộc sống cho họ, tạo điều kiện cho họ yên tâm cùng xây dựng quê hương mới, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã lập ra các đơn vị hành chính riêng, đó là sự ra đời xã Thanh Hà ở Trấn Biên (Biên Hòa) và xã Minh Hương ở Phiên Trấn (Sài Gòn).
Đây cũng là một thành công của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh về vấn đề dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh của cộng đồng gắn bó, đoàn kết trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, để phát triển lãnh thổ ở địa đầu phía Nam.
Sau khi ổn định tình hình tại vùng đất Gia Định, cũng trong năm Ất Hợi 1698, nhân việc Nặc Ông Thu (vua nước Chân Lạp) làm phản, chúa Nguyễn đã kích động người dân Chân Lạp có thiện cảm với nước Việt nổi lên chống lại, đồng thời sai Nguyễn Hữu Cảnh chuẩn bị lực lượng để chinh phạt. Năm Canh Thìn 1700, Nguyễn Hữu Cảnh tiến đánh Chân Lạp, Nặc Ông Thu thảm bại phải đầu hàng. Nguyễn Hữu Cảnh thay vì trở lại Sài Gòn-Gia Định, rút quân về miền Tây, chế ngự giữa hai miền “ Chân Lạp miền trên” tức xứ Campuchia và “ Chân Lạp miền dưới” nay thuộc miền Hậu Giang. Gián tiếp nhưng thành trực tiếp, Nguyễn Hữu Cảnh tiến hành việc bình định an dân trên mảnh đất còn lại ở miền Tây Nam Bộ. Sau khi chọn vùng cù lao Cây Sao (sau gọi là Cù lao Ông Chưởng, nay thuộc Chợ Mới, An Giang) đóng quân một thời gian, ngày 5 tháng 5 năm Canh Thìn (1700) vì lâm bệnh nặng ông từ trần, hưởng thọ 51 tuổi.
Nghe tin ông mất, chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) vô cùng thương tiếc, truy tặng chức Chưởng Dinh, ban thụy là Trung Cần, đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820), được tặng làm phó tướng Chưởng cơ, liệt vào hàng công thần thượng đẳng, thờ tại Thái miếu. Năm 1810, liệt thờ vào miếu Khai quốc công thần. Đời vua Minh Mạng (1820-1841) được tặng chức Đô thống chế dinh thần cơ, phong tước Vĩnh An Hầu. Để ghi nhớ công ơn của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, là người có công phát triển đất nước về phương Nam, từ Biên Hòa (Đồng Nai) cho đến Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) đều có đền thờ tưởng niệm ông. Ngay tại Nam Vang (nay là thủ đô Phnômpênh- Campuchia) cũng có ngôi đền thờ kinh lược Nguyễn Hữu Cảnh, người Việt ở Campuchia từ xưa đã lấy nơi đây làm nơi tế lễ, hội họp. Danh hiệu ông cũng được đặt tên cho một cù lao và một con sông đào, đó là cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên và sông Ông Chưởng ở hữu ngạn sông Tiền Giang.